CHUYÊN ĐỀ 2. GIAO DỊCH DÂN SỰ GIẢ TẠO NHẰM CHE GIẤU GIAO DỊCH KHÁC LÀ GÌ?

CHUYÊN ĐỀ 2. GIAO DỊCH DÂN SỰ GIẢ TẠO NHẰM CHE GIẤU GIAO DỊCH KHÁC LÀ GÌ? CƠ SỞ ĐỂ CHỨNG MINH GIAO DỊCH GIẢ TẠO VÀ HẬU QUẢ PHÁP LÝ. Ý KIẾN PHÁP LÝ VỀ HỢP ĐỒNG ỦY QUYỀN MUA BÁN BẤT ĐỘNG SẢN VÀ VI BẰNG TRONG GIAO DỊCH BẤT ĐỘNG SẢN

Khái niệm giao dịch dân sự giả tạo nhằm che giấu giao dịch khác

– Giao dịch dân sự: Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự (Điều 116 BLDS 2015).

– Giao dịch dân sự giả tạo nhằm che giấu giao dịch khác: Theo Điều 124 BLDS 2015, khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.

– Như vậy, theo quy định của luật, có hai loại giao dịch dân sự giả tạo:

  1. Giao dịch nhằm che giấu một giao dịch khác.

Ví dụ: A và B xác lập một hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhằm đảm bảo việc thực hiện hợp đồng vay.

  1. Giao dịch nhằm trốn tránh nghĩa vụ (của bên giao dịch) đối với người thứ ba.

Ví dụ: Đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ trả nợ, bố mẹ lập hợp đồng tặng cho toàn bộ tài sản cho con nhưng thực chất không có việc tặng cho tài sản. Mà hợp đồng tặng cho được xác lập một cách giả tạo giữa bố mẹ và người con với mục đích bố mẹ trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ với bên chủ nợ.

Cơ sở để chứng minh giao dịch giả tạo và hậu quả pháp lý

Cơ sở chứng minh giao dịch giả tạo:

– Các bên xác lập giao dịch dân sự nhằm mục đích che giấu một giao dịch dân sự khác hoặc nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba.

– Giao dịch giả tạo vẫn có đối tượng rõ ràng, nhưng các bên cố ý xác lập giao dịch với ý định không thực hiện giao dịch đó.

– Mục đích và ý chí của các bên khi ký và thực hiện giao dịch giả tạo (giao dịch thể hiện ra bên ngoài) là không thống nhất.

– Các hành vi khách quan do các bên thực hiện không phản ánh đúng giao dịch giả tạo.

Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo: Theo Điều 124 BLDS 2015:

  1. Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.
  2. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.

Như vậy, giao dịch giả tạo vô hiệu còn giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực trừ trường hợp giao dịch đó cũng bị vô hiệu theo quy định của BLDS hoặc luật khác có liên quan. Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo không bị hạn chế (Khoản 3, Điều 132 BLDS 2015).

“Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

  1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
  2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

  1. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
  2. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
  3. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.

Ý kiến pháp lý về hợp đồng ủy quyền mua bán bất động sản và vi bằng trong giao dịch bất động sản:

3.1 Rủi ro sử dụng hợp đồng ủy quyền trong giao dịch bất động sản:

Theo quy định của pháp luật dân sự, đại diện là một chế định mà theo đó người đại diện nhân danh và vì lợi ích của người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Căn cứ để xác lập đại diện được quy định tại Điều 135 BLDS năm 2015, một trong số đó là xác lập theo ủy quyền giữa người đại diện và người được đại diện.

Điều 562 BLDS 2015 quy định: “Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”. Nội dung chính của hợp đồng ủy quyền bao gồm: phạm vi ủy quyền, thời hạn ủy quyền, thù lao ủy quyền.

Hiện nay, khi tiến hành mua bán bất động sản, không phải trong mọi trường hợp các bên đều thỏa thuận giao dịch thông qua hợp đồng mua bán được công chứng, chứng thực. Vì nhiều lý do, thông thường là bên mua nhà chưa đủ điều kiện được sở hữu nhà tại Việt Nam; nhà chưa đủ điều kiện để bán theo Điều 118 Luật nhà ở 2014; nhằm mục đích trốn thuế… các bên thỏa thuận lập hợp đồng ủy quyền nhằm che giấu giao dịch mua bán bất động sản. Theo đó, các bên sẽ tiến hành lập song song hai hợp đồng: hợp đồng mua bán bất động sản và hợp đồng ủy quyền. Nội dung hợp đồng mua bán bất động sản sẽ nêu rõ đặc điểm bất động sản, giá cả, phương thức thanh toán, đặt cọc, quyền và nghĩa vụ của các bên… Tuy nhiên, hợp đồng này sẽ không được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam. Thay vào đó, để hợp pháp hóa việc chuyển giao bất động sản, các bên lập thêm hợp đồng ủy quyền, trong đó, bên bán giữ vai trò bên ủy quyền, ủy quyền cho bên mua – giữ vai trò bên được ủy quyền – toàn quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt bất động sản. Hợp đồng ủy quyền này sẽ giúp các bên chuyển giao “quyền sở hữu” từ bên bán (bên ủy quyền) sang bên mua (bên được ủy quyền) vì bằng hợp đồng ủy quyền, bên được ủy quyền sẽ hưởng mọi quyền của một chủ sở hữu tài sản theo pháp luật Việt Nam (quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản). Để bảo đảm tính xác thực của hợp đồng, hai bên tiến hành công chứng, chứng thực hợp đồng ủy quyền tại ủy ban nhân dân xã, phường hoặc các văn phòng công chứng.

Sau khi hoàn tất mọi thủ tục đối với hợp đồng ủy quyền nói trên, các bên an tâm về tính pháp lý của giao dịch vì cơ quan công chứng hoặc chứng thực đã xác thực việc hưởng mọi quyền của một chủ sở hữu bất động sản đối với bên được ủy quyền. Thế nhưng, liệu các bên có lường trước được hết những rủi ro khi sử dụng hợp đồng ủy quyền nhằm che giấu hợp đồng mua bán thật bên trong hay không? Do đó trong thực tế, hợp đồng ủy quyền sẽ mang đến không ít rủi ro cho các bên tham gia trong hợp đồng.

Thứ nhất, khi các bên hoàn tất các nghĩa vụ thanh toán và giao nhận bất động sản thì về cơ bản, giao dịch mua bán đã hoàn tất, dưới vỏ bọc là một hợp đồng ủy quyền được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật. Thế nhưng vì một vài lý do (giá trị bất động sản tăng cao hoặc xuống thấp; quyền, lợi ích của một bên bị ảnh hưởng sau khi tiến hành giao dịch…) một trong hai bên có quyền khởi kiện ra Tòa án và yêu cầu tuyên vô hiệu hợp đồng ủy quyền trên cơ sở hợp đồng này được xác lập nhằm che giấu giao dịch mua bán bất động sản, vốn là giao dịch thuộc ý chí đích thực của các bên. Lúc này, bên khởi kiện cần chứng minh bằng việc cung cấp hợp đồng mua bán hoặc chứng cứ khác chứng minh với Tòa án rằng đã tồn tại một hợp đồng mua bán đích thực nhưng được che giấu bởi hợp đồng ủy quyền. Theo quy định của pháp luật tố tụng Việt Nam, hợp đồng mua bán vẫn được coi là chứng cứ, do đó, Tòa án có quyền tuyên bố vô hiệu đối với hợp đồng ủy quyền trên cơ sở hợp đồng ủy quyền là giao dịch dân sự giả tạo theo Điều 124 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS). Căn cứ Điều 131 BLDS, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu chính là việc các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Khi ấy, quyền và lợi ích của bên còn lại trong hợp đồng ủy quyền sẽ bị ảnh hưởng.

Thứ hai, khi lựa chọn hợp đồng ủy quyền nhằm che giấu giao dịch mua bán bất động sản, các bên tham gia giao dịch thường không chú ý đến thời hạn của loại hợp đồng này. Theo quy định tại Điều 140 BLDS, thời hạn đại diện theo ủy quyền sẽ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng ủy quyền. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận thì thời hạn ủy quyền là 01 năm, kể từ thời điểm phát sinh quyền đại diện. Thông thường, đối với những hợp đồng ủy quyền dịch vụ, thời hạn ủy quyền kết thúc khi công việc được ủy quyền hoàn thành. Nhưng đối với hợp đồng ủy quyền nhằm che giấu giao dịch mua bán bất động sản, vấn đề thời hạn ủy quyền cần được các bên chú ý. Cụ thể, trong trường hợp các bên không thỏa thuận về mặt thời hạn ủy quyền, cứ sau mỗi năm, hai bên cần phải ký kết lại hợp đồng ủy quyền mới. Vì nếu không thì vấn đề ủy quyền sẽ không còn hiệu lực. Thay vào đó, nếu trước đó họ ký hợp đồng mua bán thì họ không cần phải ký lại hợp đồng đó, ngoại trừ trường hợp có lỗi sai trong chính hợp đồng mua bán.

Thứ ba, ngoài việc thỏa thuận thời hạn kết thúc ủy quyền, hợp đồng ủy quyền sẽ đương nhiên bị chấm dứt trong các trường hợp được quy định từ điểm c đến điểm g khoản 3 Điều 140 BLDS. Đáng lưu ý nhất có lẽ là trường hợp “bên ủy quyền hoặc bên được ủy quyền chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết”. Vì gần như trong mọi trường hợp, nếu hợp đồng ủy quyền kết thúc với lý do trên thì bất động sản sẽ được trao trả lại cho người ủy quyền. Khi ấy, quyền và lợi ích của người được ủy quyền sẽ bị ảnh hưởng. Cụ thể, nếu một bên (người ủy quyền hoặc người được ủy quyền) chết thì hợp đồng ủy quyền đương nhiên chấm dứt. Bất động sản khi ấy sẽ trở lại thuộc quyền sở hữu của người ủy quyền (trường hợp người được ủy quyền chết) hoặc được để thừa kế cho người thừa kế của người ủy quyền (trường hợp người ủy quyền chết). Như vậy, trong mọi trường hợp, người được ủy quyền và người thừa kế của người được ủy quyền sẽ không được chiếm hữu, sử dụng, định đoạt bất động sản. Tương tự nếu Tòa án tuyên bố một trong các bên bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì hợp đồng ủy quyền đương nhiên chấm dứt. Khi ấy, quyền định đoạt bất động sản thuộc về người đại diện theo pháp luật của người ủy quyền.

Thứ tư, thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ với bên thứ ba (cơ quan thuế, ngân hàng, thi hành án…), theo quy định của pháp luật, các chủ nợ này có quyền yêu cầu phong tỏa, kê biên và phát mãi các tài sản của người ủy quyền, bao gồm các bất động sản đã chuyển nhượng theo hợp đồng ủy quyền, trừ trường hợp được chuyển giao hợp lệ cho người khác. Về mặt pháp lý, dù đã hoàn tất thủ tục của hợp đồng ủy quyền nhưng trên thực tế, bất động sản vẫn thuộc quyền sở hữu của người ủy quyền. Về bản chất, người được ủy quyền chỉ là đại diện cho chủ sở hữu nên khi đến hạn thanh toán, các chủ nợ vẫn có quyền yêu cầu kê biên hoặc phát mãi bất động sản để thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ. Đây là những rủi ro dễ xảy ra khi các bên tiến hành giao dịch mua bán bất động sản thông qua hợp đồng ủy quyền.

Ngoài ra, còn có một số trường hợp khác mà quyền và lợi ích của các bên trong giao dịch sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, các bên cần cân nhắc kỹ trước khi tiến hành lựa chọn loại hợp đồng để giao dịch.

3.2. Rủi ro khi giao dịch bất động sản bằng vi bằng:

– Mua bán bất động sản bằng vi bằng thường được diễn ra đối với bất động sản: không có giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu; lách luật; trốn tránh các nghĩa vụ tài chính, …vô hình chung vi bằng là một giao dịch bất hợp pháp, không được pháp luật bảo vệ.

– Mua bán bằng vi bằng dẫn tới không thể sang tên đổi sổ, do pháp luật chỉ cho phép, công nhận và bảo vệ Hợp đồng công chứng, chứng thực, không công nhận giao dịch bằng vi bằng.

– Hồ sơ, giấy tờ pháp lý không rõ ràng, không đầy đủ, không có cơ sở bảo vệ các bên trong giao dịch.

– Thừa phát lại chỉ xác nhận hành vi giao nhận tiền, không xác định được tính pháp lý của bất động sản giao dịch. Như vậy, có trường hợp bất động sản không đủ điều kiện giao dịch nhưng vẫn được lập vi bằng.

– Bên mua không nắm rõ tính pháp lý của bất động sản, không có hồ sơ, giấy tờ chứng minh bất động sản đã được chuyển giao một cách hợp pháp, không được thực hiện bất cứ quyền lợi gì trên bất động sản đó, như: thế chấp, tặng cho, mua bán, chuyển nhượng, thừa kế hay thậm chí được bảo vệ trong trường hợp bị tranh chấp.

–  Vi bằng không xác minh được chủ sở hữu thực sự và tính hợp pháp của bất động sản.

– Căn cứ quy định tại Điều 167 Luật đất đai 2013 thì Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được công chứng, chứng thực. Trong trường hợp không công chứng, chứng thực thì hợp đồng vô hiệu.

– Căn cứ Nghị định 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại:

+) Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.

+) Ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật không được lập vi bằng.

Như vậy, hình thức vi bằng khi mua bán nhà đất là hình thức không được pháp luật công nhận vì nếu dùng hình thức lập vi bằng thì hợp đồng chuyển nhượng sẽ coi như là chưa được công chứng, chứng thực, vi phạm Điều 167 Luật Đất đai 2013. Do đó, hợp đồng mua nhà đất bằng vi bằng sẽ vô hiệu do không tuân thủ điều kiện về hình thức theo Điều 122, Khoản 2 Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015.

Một số vụ án cụ thể minh họa cho giao dịch dân sự giả tạo nhằm che giấu giao dịch khác

– Vụ án thứ nhất: Tranh chấp đòi nhà giữa Nguyên đơn là ông C với bị đơn là ông S, bà T. Ông C kiện ông S, bà T yêu cầu trả nhà đất số 10, KM, HN với lý do: Năm 2012, ông C mua nhà đất của vợ chồng ông S, bà T với giá thực tế là 02 tỷ đồng nhưng giá ghi tại hợp đồng có công chứng là 300 triệu đồng. Ông C trình bày ông giao đủ tiền cho vợ chồng bà T tại Ngân hàng nông nghiệp và camera của Ngân hàng có ghi lại việc ông giao tiền. Ông đồng ý cho vợ chồng bà T ở lại nhà đất nêu trên cho đến khi ông hoàn tất thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà. Ngày 25/9/2012, ông C được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà nên ông yêu cầu vợ chồng bà T bàn giao nhà nhưng vợ chồng bà T không thực hiện. Bà T không chấp nhận yêu cầu đòi nhà của ông C mà cho rằng việc vợ chồng bà ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất là để làm tin cho việc vay tiền. Sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất, bà có nhận tiền của ông C tại Ngân hàng Nông nghiệp (bà không đếm nhưng cho rằng chỉ nhận 300 triệu đồng) và bà có giao giấy chứng nhận nhà đất cho ông C.

-Vụ án thứ hai: Tranh chấp chấp đòi quyền sử dụng đất và tài sản trên đất giữa nguyên đơn là chị H với bị đơn là anh Đ. Năm 2011, hai bên ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng tại đất và tài sản gắn liền với đất Văn phòng công chứng số 3 tỉnh HY với nội dung: Vợ chồng anh Đ chuyển nhượng 391m2 đất, tại, thị trấn N, huyện V, H Y với giá thống nhất ghi tại hợp đồng là 600 triệu đồng. Cùng ngày ký hợp đồng, chị H giao cho anh Đ 200 triệu đồng (không lập giấy biên nhận) tại Văn phòng công chứng. Ngày 06/12/2011, chị H thanh toán tiếp cho anh Đ 400 triệu đồng. Ngoài ra, các tài sản trên đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nên hai bên thỏa thuận giá các tài sản gồm nhà ngói 05 gian, một dãy phòng trọ và các công trình phụ là 600 triệu đồng. Ngày 15/12/2011, chị H giao đủ 600 triệu đồng nhưng sau đó anh Đ không giao nhà đất cho chị H. Chị H khởi kiện yêu cầu vợ chồng anh Đ phải trả nhà đất cho chị, vì chị đã thanh toán đủ cho anh Đ 1,2 tỷ đồng. Anh Đ không chấp nhận yêu cầu của chị H mà cho rằng anh Đ vay 600 triệu đồng với lãi suất 3.500 đồng/triệu/ngày của chị H. Chị H yêu cầu anh phải thế chấp quyền sử dụng đất của gia đình anh Đ cho chị dưới hình thức ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Sau khi hợp đồng, ngày 06/12/2011 chị H cho anh Đ vay 400 triệu đồng. Ngày 15/12/2011, đưa tiếp 200 triệu đồng nhưng chị H cắt lãi luôn. Chị H bảo anh gộp hai lần giao tiền thành giấy biên nhận ngày 15/12/2011 ghi thành 600 triệu và sẽ xé giấy biên nhận của ngày 06/12/2011 cho anh. Thực tế anh Đ nhận tổng số tiền của chị H là 536 triệu đồng, anh không bán nhà đất. Anh đã trả lãi cho chị H là 252 triệu đồng (không có giấy biên nhận) nhưng có người làm chứng là anh P và anh N và khi trả lãi chị H đưa cho anh tờ lịch chị H tính lãi để anh đối chiếu.

– Vụ án thứ ba: Tranh chấp kiện đòi tài sản giữa nguyên đơn là anh T và anh B, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông L (bố của anh B). Vợ chồng ông L là chủ sở hữu hợp pháp nhà số 03B phương 1, quận G, HN. Anh B cần tiền kinh doanh nên ngày 21/4/2010, vợ chồng ông L ký hợp đồng Ủy quyền tại Văn phòng công chứng số 02 HN với nội dung: Anh B được quyền thay mặt vợ chồng ông L thực hiện việc quản lý, khai thác, sử dụng và chuyển nhượng, định đoạt đối với toàn bộ căn hộ số 03B. Ngày 09/4/2011, anh B ký hợp đồng mua bán nhà ở và quyền sử dụng đất ở nêu trên cho anh T tại Văn phòng công chứng số 2 với giá 600 triệu đồng. Ngày 22/7/2011, anh T được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác đối với nhà số 03B. Anh T khởi kiện yêu cầu anh B và gia đình ông L phải trả nhà đất và bồi thường thiệt hại từ việc không bàn giao nhà cho anh với lý do anh đã trả tiền mua nhà số 03B với giá thực tế là 5,9 tỷ đồng. Ông L và anh B không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh T mà cho rằng: Vợ chồng ông L ký hợp đồng ủy quyền với mục đích anh B vay tiền Ngân hàng để kinh doanh nhưng anh B vay tín dụng đen, lãi suất cao nên đã lừa vợ chồng ông L ký giấy ủy quyền vay tiền Ngân hàng để trả nợ cho anh T và một số người bạn của anh T là anh P, anh K, chị M. Trước đó, anh B vay anh P, anh K 500 triệu đồng với lãi suất cao. Khi được anh P giới thiệu đến Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Công thương vay 1,5 tỷ đồng (có thế chấp căn hộ 03B) thì anh B chỉ thực nhận 600 triệu đồng còn trừ vào tiền vay gốc và lãi của anh P, anh K. Do áp lực phải trả tiền vay cho Ngân hàng, anh B tiếp tục thông qua anh P, anh K, chị M và anh T để vay 2 tỷ đồng, lãi suất 5.000 đồng/triệu/ngày, có thời điểm lên 7.000 đồng/triệu/ngày và 10.000 đồng/triệu/ngày. Sau 06 tháng chịu lãi cao, anh P, anh K, chị M và anh T ép anh B phải bán nhà số 03B và gây áp lực cho anh B. Anh B phải ký vào hợp đồng chuyển nhượng nhà đất (do anh T đứng tên nhận chuyển nhượng) để trừ nợ 5,9 tỷ đồng (đây là số tiền mà anh B bị ép chốt nợ vay cả gốc và lãi), trong khi thực tế giá căn hộ thời điểm tháng 4 năm 2011 là khoảng 10 tỷ đồng. Ông L và anh B không đồng ý giao nhà, anh T cùng 10 người khác kéo đến gây áp lực, phá đồ đạc dẫn đến vợ ông L phải thắt cổ tự tử.

Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm khi xét xử 03 vụ án nêu trên đều nhận định giao dịch chuyển nhượng nhà đất giữa các bên là hợp pháp và quyết định chấp nhận yêu cầu đòi nhà của nguyên đơn, buộc bị đơn phải trả toàn bộ nhà đất cho nguyên đơn.

Chánh án TANDCC đã kháng nghị cả ba vụ án, đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội hủy bản án dân sự sơ thẩm và hủy bản án dân sự phúc thẩm, giao hồ sơ về Toà án cấp sơ thẩm xét xử theo thủ tục sơ thẩm, theo quy định của pháp luật. Ủy ban Thẩm phán TANDCC chấp nhận kháng nghị của Chánh án TANDCC đối với cả ba vụ án nêu trên.

Ví dụ giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba

Điển hình như tại Bản án 05/2019/DS-PT ngày 15/01/2019 về yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu, theo đó:

“Ông H, bà G và bà L có tham gia góp hụi và nợ bà L số tiền 422.400.000 đồng. Bà đã khởi kiện ngày 05-5-2017 và được Tòa án nhân dân huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh đã giải quyết bằng Bản án số 27/2017/DS-ST ngày 30 tháng 6 năm 2017 buộc quyết định bà G và ông H có nghĩa vụ trả cho bà số tiền nêu trên.

Bà đã yêu cầu thi hành án nhưng bà G, ông H không tự nguyện thi hành án và cơ quan thi hành án thông báo là vợ chồng ông H, bà G không có tài sản để thi hành án. Vợ chồng ông H, bà G có nhà, đất tọa lạc tại ấp GN, xã PL, huyện TrB, tỉnh Tây Ninh nhưng đã chuyển nhượng cho ông Huỳnh Văn Đ là anh ruột của bà G vào ngày 19-01-2017. Theo bà L, hợp đồng này chỉ là giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ cho bà vì vợ chồng ông H, bà G vẫn sinh sống trên nhà đất này, ông Đ rất khó khăn về kinh tế nên không thể có tiền để chuyển nhượng đất.

Hội đồng xét xử nhận thấy, năm 2017, vợ chồng ông H, bà G có nợ tiền ngân hàng và nhiều người, tổng cộng lên đến khoảng 8 tỷ đồng. Ông S khởi kiện bà G, ông H được tòa án thụ lý vào ngày 13/01/2017 thì ngày 19/01/2017 bà G, ông H chuyển nhượng nhà đất cho anh ruột là ông Đ. Bà G, bà L, ông S đều xác nhận bà G nợ tiền hụi, tiền vay của bà L, ông S trước khi chuyển nhượng nhà đất thuộc thửa số 322, tờ bản đồ số 10, đất tọa lạc tại ấp GN, xã PL, huyện TrB, tỉnh Tây Ninh cho ông Đ. Tuy nhiên, bà G, ông H không dùng số tiền có được từ việc chuyển nhượng đất để trả cho bà L, ông S mà lại trả nợ cho người khác chưa khởi kiện nhưng cũng không có chứng cứ chứng minh đã trả cho ai”.

Tòa án đã tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông H, bà G đối với ông Đ ngày 19/01/2017 là giả tạo và tuyên bố vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều 124 Bộ luật Dân sự.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *